ZigBee là phương thức đơn giản và hiệu quả nhất để đồng bộ hóa tất cả các thiết bị công nghệ từ các nhà sản xuất khác nhau trong lĩnh vực nhà thông minh. Vậy ZigBee là gì? ZigBee hoạt động như thế nào? Ưu nhược điểm của ZigBee ra sao?
ZigBee là gì?
ZigBee là một tiêu chuẩn mở toàn cầu cho công nghệ không dây được thiết kế để sử dụng tín hiệu vô tuyến kỹ thuật số năng lượng thấp cho các mạng khu vực cá nhân được ZigBee Alliance phát triển vào năm 1998, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Califonia, Hoa Kỳ. ZigBee được sử dụng phổ biến trong một hệ thống nhà thông minh, hệ thống sưởi, làm mát và trong các thiết bị y tế…
Hoạt động của ZigBee
ZigBee hoạt động dựa trên thông số kỹ thuật của IEEE 802.15.4. ZigBee được sử dụng để tạo các mạng yêu cầu tốc độ truyền dữ liệu thấp, hiệu quả năng lượng và kết nối mạng an toàn. Hiểu nôm na rằng ZigBee = ZigZag + Bee, dạng truyền thông ZigZag kiểu như tổ ong. ZigBee cho phép thiết lập các lớp khác nhau mà từ đó các thiết bị của các hãng có thể nhận biết ra nhau và tự kết nối với nhau dễ dàng hơn.
Khả năng truyền tín hiệu: Với công nghệ ZigBee, tín hiệu có thể truyền xa tối đa 75m tính từ trạm phát và có khả năng phát xa hơn rất nhiều từ các nút phát khác trong cùng hệ thống.
ZigBee sẽ hoạt động ở một trong ba dải tầng sóng là:
- Dải 868 MHz cho khu vực Châu Âu và Nhật: Trong giải này chỉ có 1 kênh (kênh số 0) và tốc độ truyền khá thấp chỉ khoảng 20kb/s
- Dải 915MHz ở khu vực Bắc Mỹ: Có 10 kênh tín hiệu với dải từ 1-10 và tốc độ khoảng 40kb/s
- Dải 2.4GHz sẽ ở các nước còn lại: Có tới 16 kênh tín hiệu từ 11-26 và tốc độ truyền tải rất cao tới 250kb/s
Ưu điểm của ZigBee
Nhờ vào đặc điểm truyền tải tín hiệu xa và ổn định nên ZigBee được sử dụng rất rộng rãi trong ngành công nghiệp tự động hóa đặc biệt là trong các hệ thống nhà thông minh. Dưới đây là các ưu điểm khi áp dụng ZigBee:
- Dễ dàng lắp đặt: Việc lắp đặt các thiết bị dùng ZigBee rất dễ dàng
- Kết nối internet: Bạn có thể dễ dàng điều khiển các thiết bị thông qua kết nối Internet từ bất kỳ đâu trên thế giới. Giúp điều khiển nhà thông minh dễ dàng hơn.
- Tiết kiệm năng lượng: ZigBee tiêu tốn rất ít năng lượng cho nên sẽ giúp tiết kiệm điện tối đa.
- Khả năng mở rộng cực lớn: Các thiết bị cùng hệ thống sẽ có thể kết nối với nhau tạo nên 1 vùng phủ sóng cực lớn, giúp các thiết bị nhà thông minh kết nối với nhau dễ dàng.
- Sử dụng mã hóa AES-128 mang đến độ bảo mật cao
- Dễ dàng mở rộng: ZigBee có thể mở rộng tới 65.000 thiết bị trong cùng một hệ thống.
- ZigBee có thể hoạt động ổn định trong khu vực có mật độ tín hiệu dày đặc và có nhiều tín hiệu gây nhiễu nhờ khả năng đánh giá chất lượng, sự phát hiện năng lượng tiếp nhận và đánh giá kênh rõ ràng.
Nhược điểm của ZigBee
- Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng ZigBee cũng có một vài nhược điểm như:
- Không thể phủ rộng hết toàn bộ nhà có diện tích quá rộng, chúng ta sẽ cần một thiết bị ZigBee Repeater để tăng độ phủ sóng.
- Không xuyên tường mạnh được, nếu nhà nhiều phòng thì sẽ bị giảm tín hiệu
- Độ ổn định không bằng thiết bị đi dây. Tuy nhiên đây cũng là nhược điểm chung của tất cả các loại sóng khác.